Giá tăng mạnh

Loại yến vụn từ 3,6 triệu đồng/100g cũng "vọt" lên 4,3 triệu đồng/100g. Loại yến đắt nhất hiện nay là yến huyết đảo (yến tự nhiên lấy trong hang đá trên đảo) từ 21 triệu đồng/100g hiện giờ được chào bán đến 25 triệu đồng/100g. Trong khi loại yến đảo trắng giá từ 10 triệu đồng/100g nay tăng lên thành 15 triệu đồng/100g.

Xác nhận về việc tăng giá, đại diện Công ty Yến Sào H.N.V (Khánh Hòa) cho hay một năm trước, giá yến thô (yến lấy từ tổ) được công ty mua vào tầm 1,4 triệu đồng/100g. 

Nhưng từ tháng 7 và tháng 8-2017, mức giá thu vào đã tăng lên 1,5 - 1,6 triệu đồng/100g cho loại yến nói trên. "Nhưng bây giờ giá đã là 2,6-2,7 triệu đồng/100g. Giá tăng chóng mặt nên chúng tôi cũng phải tăng giá sản phẩm sau khi đã qua chế biến", vị đại diện này thông tin.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, giám đốc Công ty Thương mại XNK Yến Sào Nam Anh (Bù Nho, Phú Riềng, Bình Phước), doanh nghiệp chuyên nuôi yến, cũng cho hay ba tháng trước giá yến thô (lấy từ tổ xuống) được bán ra tại trại dao động 17 - 18 triệu đồng/kg nhưng nay cũng đã lên 25 - 27 triệu đồng/kg, "huống gì là yến đã qua sơ chế, hay tinh chế. Yến nào cũng tăng giá hết, kể cả yến nhập khẩu, dù chất lượng không tốt bằng yến của VN", ông Nam nói.

Hụt nguồn cung

Theo ông Nam, hai quốc gia xuất khẩu lượng lớn yến sào là Indonesia và Malaysia, trong đó Indonesia hiện chiếm đến 65% nguồn cung toàn thế giới, nhưng lại đang bị thiếu hụt sản lượng trầm trọng do trúng vào mùa khô, chim yến không có nguồn thức ăn. 

Thị trường Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng theo nguồn cung sụt giảm của hai nước trên, nên "tung" thương lái đi khắp nơi để "vét" yến.

"Nếu so với sản lượng cung ứng của Malaysia hay Indonesia, VN chẳng là gì khi mức đóng góp cho nguồn cung thế giới rất nhỏ bé, chỉ tầm 1%. Nhưng khi tình trạng thiếu hụt không còn cục bộ mà lan rộng, thì kiểu gì thị trường cũng sẽ bị dắt dây chuyền, trong đó có VN. Giá tăng cao là do vậy", ông Nam phân tích.

Theo nhiều nhà nuôi yến sào, hiện năng suất yến sào VN vẫn đạt ở mức tốt, trung bình khoảng 0,5 - 1kg/nhà yến từ 2 năm tuổi trở lên. Nhà yến càng lâu năm thường sẽ cho năng suất tăng theo nhờ vào số lượng yến sinh sản nhiều.

Tuy nhiên, với sản lượng khai thác khá khiêm tốn như hiện nay, việc yến sào VN dù có được mùa, nhưng cũng sẽ không cải thiện được nguồn cung thế giới đang thiếu hụt là bao nhiêu, cũng vì lý do trên.

Quan trọng hơn, theo đánh giá của nhiều chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực này, việc thiếu hụt nguồn cung yến sào cần được thị trường bình tĩnh đánh giá, tránh tình trạng "gậy ông đập lưng ông" một khi các nước đang chi phối nguồn cung cho thế giới khôi phục lại sản lượng.

Đó cũng là lý do vì sao trong bối cảnh hiện tại, vẫn có không ít cơ sở nuôi yến vẫn giữ nguyên mức giá bán ra từ đầu nguồn, kể cả yến thô lẫn yến đã qua sơ chế.
Nguồn: Sưu tầm